VÀI NÉT SƠ LƯỢC VỀ CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG 2018

Nguyễn Thọ

           Trung tâm GDTX – TH,NN tỉnh Quảng Trị

 

Chương trình GDPT 2018 thể hiện mục tiêu giáo dục phổ thông, quy định các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và phương pháp đánh giá kết quả giáo dục, làm căn cứ quản lí chất lượng giáo dục phổ thông; đồng thời là cam kết của Nhà nước nhằm bảo đảm chất lượng của cả hệ thống và từng cơ sở giáo dục phổ thông. Chương trình GDPT 2018 bao gồm chương trình tổng thể , các chương trình môn học và hoạt động giáo dục.

Chương trình bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc, đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương, nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, của nhà trường, góp phần bảo đảm kết nối hoạt động của nhà trường với gia đình, chính quyền và xã hội;

Chương trình chỉ quy định những nguyên tắc, định hướng chung về yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và việc đánh giá kết quả giáo dục, không quy định quá chi tiết, để tạo điều kiện cho tác giả sách giáo khoa và giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện chương trình;

Chương trình bảo đảm tính ổn định và khả năng phát triển trong quá trình thực hiện cho phù hợp với tiến bộ khoa học - công nghệ và yêu cầu của thực tế.

  1. Sách giáo khoa trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Sách giáo khoa cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh; định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học. Như vậy, sách giáo khoa chỉ là những định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Cùng một môn học của một  lớp học sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa; nhà trường, giáo viên có thể lựa  chọn bộ sách giáo khoa theo  hướng dẫn của Bộ GD và ĐT, của UBND  tỉnh để đưa vào dạy học sao cho đảm bảo các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và phương pháp đánh giá kết quả giáo dục theo quy định của Chương trình GDPT 2018.

  1. Lộ trình thực hiện

Theo Thông tư 32, Chương trình GDPT 2018 thực hiện từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1;  từ năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; từ năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; từ năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11 và từ năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

  1. Mục tiêu Chương trình GDPT 2018

Chương trình GDPT 2018 cụ thể hoá mục tiêu giáo dục phổ thông, giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kĩ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, biết xây dựng và phát triển hài hoà các mối quan hệ xã hội, có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú, nhờ đó có được cuộc sống có ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại.

  1. Yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực người học

Về phẩm chất: Chương trình GDPT 2018 hình thành và phát triển cho học sinh 5 phẩm chất chủ yếu : Yêu nước - Nhân ái - Chăm chỉ - Trung thực và Trách nhiệm.

Về năng lực:  Chương trình GDPT 2018 hình thành và phát triển cho học sinh những  năng lực cốt lõi sau:

03 năng lực chung được hình thành, phát triển thông qua tất cả các môn học và hoạt động giáo dục gồm:

Năng lực tự chủ và tự học; Năng lực giao tiếp và hợp tác; Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo;

07  năng lực đặc thù được hình thành, phát triển chủ yếu thông qua một số môn học và hoạt động giáo dục nhất định gồm:

Năng lực ngôn ngữ; Năng lực tính toán; Năng lực khoa học; Năng lực công nghệ; Năng lực tin học;Năng lực thẩm mĩ, Năng lực thể chất.

Bên cạnh việc hình thành, phát triển các năng lực cốt lõi, chương trình giáo dục phổ thông còn góp phần phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu của học sinh.

  1. Cách hình thành và phát triển phẩm chất của người học trong Chương trình GDPT 2018

Trong Chương trình GDPT 2018, phẩm chất của người học  được hình thành và phát triển bằng hai con đường:

Thứ nhất: Thông qua nội dung kiến thức của một số môn học.;

Thứ 2: Thông qua phương pháp giáo dục.

  1. Con đường hình thành và phát triển năng lực của người học trong Chương trình GDPT 2018 

Năng lực được hình thành và phát triển theo thời gian, đạt được từng cấp độ từ thấp đến cao. Để phát triển năng lực của người học, Chương trình GDPT 2018 đã  đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục theo hướng sau đây:

Thứ nhất, Dạy học phân hoá: Trong giai đoạn giáo dục cơ bản, Chương trình GDPT 2018 một mặt thực hiện giáo dục toàn diện và tích hợp, mặt khác, thiết kế một số môn học và hoạt động giáo dục (HĐGD) theo các chủ đề, tạo điều kiện cho học sinh lựa chọn những chủ đề phù hợp với sở thích và sở trường của bản thân. Trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, bên cạnh một số môn học và HĐGD bắt buộc, học sinh được lựa chọn những môn học, chủ đề và chuyên đề học tập phù hợp với sở thích và định hướng nghề nghiệp của bản thân;

Thứ 2: Dạy học tích hợp: Dạy học tích hợp là định hướng dạy học huy động, kết hợp, liên hệ các yếu tố có liên quan với nhau của nhiều lĩnh vực, nhiều ngành khoa học để giải quyết có hiệu quả các vấn đề thực tiễn, trong đó mức độ cao nhất là hình thành các môn học tích hợp. So với Chương trình hiện hành, chủ trương dạy học tích hợp trong Chương trình GDPT 2018 có một số điểm khác như: tăng cường tích hợp nhiều nội dung trong cùng một môn học, xây dựng một số môn học tích hợp mới ở cấp THCS theo tinh thần chung là tích hợp mạnh ở các lớp học dưới và phân hoá dần ở các lớp học trên; yêu cầu tích hợp được thể hiện cả trong mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục.

Thứ 3:  Dạy học thông qua hoạt động tích cực của người học: Các phương pháp giáo dục được áp dụng trong Chương trình GDPT 2018 là tích cực hoá hoạt động của người học, trong đó giáo viên đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn hoạt động cho học sinh, tạo môi trường học tập thân thiện và những tình huống có vấn đề để khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, tự phát hiện năng lực, nguyện vọng của bản thân, rèn luyện thói quen và khả năng tự học, phát huy tiềm năng và những kiến thức, kĩ năng đã tích lũy được để phát triển. Các hoạt động học tập của học sinh bao gồm hoạt động khám phá vấn đề, hoạt động luyện tập và hoạt động thực hành được tổ chức trong và ngoài khuôn viên nhà trường thông qua một số hình thức chủ yếu như học lí thuyết; thực hiện bài tập, thí nghiệm, trò chơi, đóng vai, dự án nghiên cứu; tham gia seminar, tham quan, cắm trại,  đọc sách; sinh hoạt tập thể, hoạt  động phục vụ cộng đồng... Tùy theo mục tiêu cụ thể và tính chất của hoạt động, học sinh được tổ chức làm việc độc lập, làm việc theo nhóm hoặc làm việc chung cả lớp.

----------------