• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TTGDTX-TIN HỌC, NGOẠI NGỮ TỈNH QUẢNG TRỊ
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát biểu Tổng kết Liên hoan "Văn hóa học đường" năm 2021

Ngày 25 tháng 6 năm 2021, Sở GD&ĐT Quảng Trị tổ chức Lễ tổng kết, trao giải Liên hoan “Văn hóa học đường” năm 2021. Để bảo đảm thực hiện đúng quy định của cấp trên về thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, Ban Tổ chức hạn chế số lượng người dự. Trước khi nghe bài Tổng kết Liên hoan do Phó Giáo đốc Võ Văn Minh trình bày, các đại biểu được xem phóng sự do Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Trị thực hiện đánh giá chung về chặng đường 15 năm phát động nội dung xây dựng Văn hóa học đường và điểm lại những nét chính của Liên hoan VHHĐ-năm 2021.

Dưới đây xin lược trích bài phát biểu của Phó Giám đốc Võ Văn Minh, Phó Giám đốc Sở, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Liên hoan.

Đã hơn 60 ngày trôi qua kể từ khi kết thúc Liên hoan văn hóa học đường (LH VHHĐ) năm 2021, nhưng dư âm của Liên hoan vẫn còn rất mạnh mẽ, ấn tượng đẹp đẽ từ các tiết mục trên sân khấu hội diễn ở 5 vùng như vẫn còn đọng lại. Chúng ta hôm nay có mặt ở đây để cùng đánh giá lại không chỉ kết quả Liên hoan năm 2021 mà còn nhìn lại một chặng đường dài 15 năm toàn ngành chung tay xây dựng một phong trào lớn, mở đường cho một lối đi đúng hướng cho hiện tại và tương lai.

Cách đây tròn 15 năm, Liên hoan văn hóa học đường lần thứ nhất của ngành giáo dục đào tạo Quảng Trị đã được tổ chức. Sau hành trình 1,5 thập kỷ với 5 lần liên hoan quy tụ nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc, nhiều tiểu phẩm kịch độc đáo, nhiều phần thi hùng biện sắc sảo, thuyết phục thể hiện vốn am hiểu sâu rộng của tuổi trẻ học đường Quảng Trị về những vấn đề có ý nghĩa trong đời sống xã hội…LH VHHĐ ngành Giáo dục Đào tạo Quảng Trị đã thực sự trở thành ngày hội văn hóa của thầy và trò. Hoạt động này đã ảnh hưởng tích cực đến môi trường văn hóa học đường, đề cao các giá trị văn hóa đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh. Cũng từ những hoạt động văn hóa sôi nổi ấy, cơ hội giao lưu, học tập, phát hiện và trau dồi những khả năng tiềm ẩn trong giáo viên và học sinh được mở rộng…Đây là những động lực quan trọng góp phần tạo dựng môi trường văn hóa nhân văn, lành mạnh , làm phong phú thêm đời sống tinh thần của thế giới học đường, tiếp thêm nguồn sức mạnh giúp chúng ta đương đầu với thiên tai, dịch bệnh và vững bước trên con đường đổi mới và sáng tạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục và đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho ngành GD và ĐT tỉnh nhà.

 Phóng sự mà chúng ta vừa xem mới chỉ là những nét phác thảo hành trình 15 năm toàn ngành xây dựng nếp sống VHHĐ với điểm nhấn là Liên hoan VHHĐ lần thứ 6 – năm học 2020-2021. Chính chúng ta sẽ là những người làm tiếp, viết tiếp những trang kỷ yếu lấp lánh sắc màu, giàu sức khái quát và truyền cảm hứng nhiều hơn để cho các thế hệ thầy và trò tương lai được chiêm ngưỡng.

 Văn hóa là cái duy nhất còn lại khi tất cả những cái khác không còn. Xây dựng VHHĐ là một con đường dài nhiều thách thức. Nó thách thức với quyết tâm, với tầm nhìn và ngay cả với cách chấp nhận, cách lựa chọn của chúng ta về việc gì cần làm.

Vượt qua thách thức cũng là một nhiệm vụ đầy cam go của những người gánh vác sứ mệnh “Trồng người”, trong đó sứ mệnh "Vun trồng" các giá trị văn hóa là thiêng liêng nhất, cao cả nhất, bới vì bản thân từ văn hóa có hàm nghĩa từ nguyên là "Vun trồng" (Culture).

Chúng ta đã tìm thấy giá trị "Vun trồng" thể hiện sinh động trong chương trình biểu diễn của hơn 30 đơn vị trường học và 9 đơn vị huyện thị xã, thành phố trong Liên hoan.

Khác với những lần trước đây, năm nay, LHVH học đường cấp tỉnh được tổ chức tại 5 địa điểm với sự quy tụ của các cơ sở giáo dục trên địa bàn cụm. Chúng ta phấn khởi đón nhận những chương trình hoành tráng, kết tinh của kỹ thuật và tố chất đầy tiềm năng đến từ cụm Đông Hà – Triệu Phong – trung tâm đô thị phồn vinh nhất của tỉnh nhà; sự tươi mới và hồn hậu của quê hương Cam Lộ và các đơn vị thuộc cụm các trường phổ thông liên cấp CĐSP; tinh thần giản dị mà kiên cường, tỏa sáng của mảnh đất lũy thép lũy hoa Vĩnh Linh – Gio Linh - 2 địa giới của Vĩ tuyến 17 đã đi vào dấu son lịch sử của đất nước; đến với Đakrông – Hướng Hóa vùng núi rừng miền tây Quảng Trị hoang sơ, hấp dẫn với những mộc mạc hồn nhiên mà bí ẩn của đại ngàn và cùng lắng sâu với mảnh đất Thị xã Quảng Trị - Hải Lăng, nơi dòng sông Thạch Hãn với sóng nước tâm linh ngày đêm lặng lẽ chảy xuôi bao nỗi niềm... Chúng tôi nghĩ rằng, dù được tổ chức tại địa bàn nào, tất cả thầy cô giáo và các em học sinh – những diễn viên không chuyên đến từ nhiều đơn vị khác nhau cũng đều hướng về một mục tiêu chung: Một liên hoan văn hóa nghệ thuật đặc sắc, ấn tượng, ý nghĩa, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa vùng miền!

Một số nhận định chung về Liên hoan

Về chất lượng biểu diễn: Chương trình biểu diễn của các đơn vị ở 5 cụm được đông đảo khán giả trong và ngoài tỉnh theo dõi, được truyền tải thường xuyên qua các kênh truyền thông đem lại sự hào hứng cho người xem, tạo ra sự lan tỏa rất lớn trong xã hội, khẳng định năng lực tổ chức và thực tế công tác xây dựng văn hóa học đường trong các cơ sở giáo dục; diện mạo văn hóa của nhà trường, hình ảnh thầy và trò trong cuộc sống hàng ngày vượt lên những khó khăn, thách thức của ngoại cảnh để hoàn thành tốt nhiệm vụ được khẳng định.

-Tư duy nghệ thuật được nâng cao, có nhiều chuyển biến, đột phá theo hướng hiện đại. Nhiều đơn vị phòng GD&ĐT  rất có ý thức trong xây dựng chương trình, nêu được thông điệp cụ thể, kết cấu chặt chẽ, liên hoàn; hình thức trình bày điêu luyện, kỹ thuật biểu diễn chuyên nghiệp; Nhiều đơn vị trường học ở vùng sâu, vùng khó trở thành điểm sáng trong Liên hoan, gây bất ngờ lớn cho khán giả ; nhiều đơn vị rất chú ý trong việc xây dựng ý tưởng chương trình, đầu tư thời gian và nguồn lực cho tập luyện, phát hiện nhân tố mới, mạnh dạn chọn diễn các thể loại mới, thí điểm hình thức mới; nhiều diễn viên mới xuất hiện thay thế cho các ngôi sao của nhiều thế hệ đi trước, báo hiệu tương lai đầy triển vọng của môi trường văn hóa học đường.

Ban Giám khảo Liên hoan đều có đánh giá chung là chất lượng biểu diễn của diễn viên và năng lực chỉ đạo nghệ thuật của các đơn vị tham gia Liên hoan năm nay có nhiều nổi trội, đột phá.

Trước hết, thể loại Múa, có thể nói là thể loại tạo ra gương mặt, thần thái cho LH năm nay. Theo dõi trên các kênh truyền thông, mạng XH chúng ta nhận thấy khán giả dành nhiều lời khen và sự trân trọng cho sự cống hiến và tài năng thực sự đối với nhiều tiết mục, trong đó có "Múa Công" của Trường Tiểu học Thanh An-Cam Lộ, Khát vọng của THPT Vĩnh Linh, Những ngày không quên của THPT Đông Hà. Loại hình múa đương đại được nhiều đơn vị chọn diễn như THPT Lê Lợi, Phòng GD&ĐT Đông Hà, PTDTNT tỉnh, THCS&THPT Đa k'rông... Đây là một loại hình rất kén khán giả, đòi hỏi sự hàm súc về hình tượng, tính giản lược và trừu tượng trong ngôn ngữ biểu đạt. Để đạt được các yêu cầu này đòi hỏi thầy và trò phải tự tìm tòi học hỏi rất nhiều, khổ luyện rất nhiều chưa kể đến phải có một ngoại hình khả dĩ và niềm đam mê cống hiến không mệt mỏi. Và chúng ta đã được chiêm ngưỡng các diễn viên tỏa sáng trên sân khấu. Nếu như tiết mục của Phòng GD&ĐT Hải lăng (Trường học online) rất sáng tạo trong việc khai thác tính cách điệu của ngôn ngữ thì tiết mục của THPT Bùi Dục Tài chú ý kết cấu, "Điều phi thường" của Phòng GD&ĐT TP Đông Hà mang đậm tính chân thực hơi thở cuộc sống, trong khi "Thắp sáng ước mơ đại ngàn của THCS&THPT Đakrông tạo ấn tượng mạnh mẽ bởi nét hoang dã giàu chất sử thi.

Ở thể loại Hát, Liên hoan lần này ghi nhận nhiều phong cách đa dạng, nhiều giọng hát đầy tiềm năng, nhiều ngôi sao lạ góp thêm vẻ lung linh cho bầu trời bầu trời sao của Văn nghệ tỉnh nhà. Giọng hát gây ấn tượng nhất của Trường THPT Đông Hà trong "Bước đi không dừng lại" thực sự báo hiệu một tái năng hiếm có về thanh nhạc. Chúng ta tin chắc rằng có thể tự hào về em trong tương lai. Hiếu Ngân, một diễn viên trẻ của Trường THPT Triệu phong lựa chọn "Ngẫu hứng sông Hồng" để trình bày là một thách thức dữ dội. Thế nhưng em đã thuyết phục được 5 vị Giám khảo khó tính và nhận được sự ngưỡng mộ của khán giả nhơ cách trình bày vừa hồn nhiên vừa độc đáo.  Tuy không đạt giải cao nhưng tiết mục "Mồ hôi đá" của nam sinh Trường THPT Gio Linh và "Những bông hoa trong vườn Bác của nữ sinh trường này được BGK đánh giá là 2 giọng hát nhiều triển vọng. "Lũ đêm", một tiết mục ấn tượng của Phòng GD&ĐT TP Đông Hà gây được ấn tượng mạnh bởi yếu tố nhạc kịch, vốn chưa được quen thuộc lắm với sân khấu học đường. Hình thức song ca, tam ca, tốp ca rất được chú ý. Kết hợp hát-múa được rất nhiều đơn vị chọn diễn.

Tiểu phẩm truyền thông là một loại hình đã xuất hiện nhiều trong LH VHHĐ lần thứ 5-2017 với vai trò truyền tải các thông điệp giáo dục đạo đức, lối sống, xây dựng nét đẹp văn hóa, cảnh báo các nguy cơ về tệ nạn, phạm tội. Yêu cầu của các tiết mục là phải có một thông điệp cụ thể gửi đến người xem, hành động, ngôn ngữ hàm súc, giàu kịch tính và có sức gợi. Tiểu phẩm "Trở về" của Phòng GD&ĐT Vĩnh Linh là một điển hình về tính sáng tạo trong thể hiện. Sử dụng âm nhạc, bối cảnh và hành động kịch thay thế cho lời thoại, chỉ trong 7 phút, nhóm diễn viên đã truyền đến người xem một thông điệp mạnh mẽ và đầy tính nhân văn. "Đưa con chữ đến miền xa" của THPT Chuyên Lê Quý Đôn và "Ký ức Hiền Lương" của THPT Bùi Dục Tài có màu sắc tạp kỹ, rất ý tứ trong dàn dựng và thể hiện, trong khi "Lối rẽ ngang trái" của THPT Hướng Phùng, "Không để ái bỏ lại phia sau" của Phòng GD&ĐT Gio Linh, "Việt nam quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19" của Trường Trưng Vương rất bám sat hiện thực, cảnh báo về các bi kịch có thể đến với bất kỳ ai...

            Trình tấu nhạc cụ là một loại hình mới được BTC đặc biệt chú ý khi xây dựng Kế hoạch Liên hoan. Xu hướng đưa Âm nhạc trở thành một môn học ở bậc trung học là một tất yếu đáp ứng nhu cầu của thanh thiếu niên. Muôn vậy cần chuẩn bị nền tảng thật tốt. Điều đáng mừng là Liên hoan năm nay rất nhiều đơn vị tham gia loại hình này và đã có những thành tựu đáng kể. Ghi nhận tinh thần tham gia nhưng đồng thời BTC cũng mong muốn rằng các đơn vị cần chú trọng về chuyên môn hơn nữa, ví dụ Kỹ năng sử dụng nhạc cụ, khả năng phối hợp giữa các diễn viên, viết và đọc bản phối, xử lý các yêu cầu cao của kỹ thuật mang tính sáng tạo. Chúng ta hy vọng trong các Liên hoan ở những năm sau sẽ xuất hiện nhiều tài năng âm nhạc hơn và có nhiều tiết mục xuất sắc hơn.

            Chúng ta biết rằng, nghệ thuật đi ra từ cuộc sống và quay trở lại phục vụ cuộc sống. Sự sống của nghệ thuật đòi hỏi sự quan tâm của công chúng và sự cống hiến, sáng tạo không ngừng. Trong Liên hoan này BGK dành nhiều kỳ vọng và sự ưu ái đến các tài năng trẻ, đến các đơn vị có phong trào VHVN và dành riêng 3 giải thưởng cho đơn vị có chương trình ấn tượng, xúc động; tiết mục có hình thức sáng tạo trong biểu diễn và tác giả có ca khúc hay về chủ đề VHHĐ. Còn rất nhiều đơn vị, cá nhân nữa xứng đáng được nhận lời khen ngợi và phần thưởng của BTC trong tương lai.

          Cũng phải nói thêm đôi điều về chất lượng của Liên hoan, những điều mà chúng ta chưa hài lòng lắm. Đó là để lại một khoang trống những tác phẩm viết về nhà trường và nghề nghiệp. Đó là sự dễ dãi trong tìm kiếm tiết mục, kết cấu, trang phục và thậm chí lời thoại.  Một số đơn vị nhận thức về nhiệm vụ còn hời hợt, tham gia thiếu nhiệt tình, chất lượng thấp.

            Về công tác tổ chức chuẩn bị Hội diễn. Lãnh đạo Sở  đánh giá cao tinh thần trách nhiệm cũng như chất lượng công tác tổ chức của các đơn vị, trước hết là các Cụm trưởng, và các Tiểu ban. Quá trình tổ chức Liên hoan cấp cơ sở từ ngày 15/3 đến 26/3, Liên hoan cấp tỉnh từ ngày 04/4 đến 17/4 diễn ra an toàn, trật tự, đúng lộ trình, đạt tất cả các yêu cầu đề ra.

Các thành viên BTC, Cụm trưởng, các Trưởng Tiểu ban đã điều hành công việc trôi chảy, phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ, góp phần lớn vào thành công chung của Liên hoan. Tuy nhiên, việc khảo sát thực địa nếu chu đáo hơn sẽ tránh được một số khó khăn phát sinh không lớn xảy ra trong tổ chức thực hiện. Ban Tổ chức nghiêm túc rút kinh nghiệm điều này.

Đó là những hạn chế mà hy vọng những Liên hoan về sau sẽ không xảy ra.

Gánh nặng của công tác xây dựng VHHĐ trước hết dồn vào đôi vai những người lãnh đạo. Họ có sứ mệnh vừa là người tạo ra nét đặc thù của VHHĐ cho nhà trường vừa xây dựng một hình ảnh văn hóa cho cá nhân mình. Nhà lãnh đạo không chỉ hoạch định kế hoạch, điều hành các hoạt động, điều hòa các mối quan hệ trong nhà trường mà còn là người sáng tạo ra các biểu tượng, niềm tin, dấu ấn…về nhà trường.

Hệ thống những giá trị, niềm tin, chuẩn mực, quy tắc ứng xử được hình thành trong một quá trình lâu dài. Trong nhứng giá trị ấy, sân khấu nhà trường có sứ mệnh định hướng, truyền tải và giữ gìn lâu dài, bền vững. Chúng ta gìn giữ cho chính chúng ta, nhưng trước hết là cho các học trò yêu quý của mình.  Các em đến trường không chỉ là đón nhận tri thức mà còn đến để hấp thụ một không gian văn hóa. Từ đây các em được bồi đắp tri thức và nuôi dưỡng ước mơ, khát vọng của mình. Từ đây, một cánh của mới sẽ mở ra cho các em để đến với cuộc đời cao rộng. Chính chúng ta là người canh cửa, để cho nơi đây chỉ có nụ cười của sự lành mạnh, an toàn và bay bổng vào ra. Nơi đây không có sự lừa dối và thù hằn bạo lực. Nơi đây sẽ không có ma túy và tai nạn, trộm cắp. Nơi đây người với người là bạn. Mẹ của em ở trường là cô giáo mến thương. Chỉ có màu lá xanh và màu phượng hồng, chỉ có tiếng chào nhau thân thiết và tiếng ca vọng ra từ những ô của thân thương.

Liên hoan VHHĐ khép lại nhưng chúng ta có trách nhiệm mở ra những trang đầu tiên của bài trường ca mới. Nhìn lại những việc đã làm, những ngày đã qua các nhà quản lý, các cán bộ chỉ đạo chuyên môn càng phấn khởi, vui mừng với các thành tựu đạt được, càng phải trăn trở nhiều hơn, nghiền ngẫm nhiều hơn và hành động nhiều hơn, chăm lo cho sự nghiệp "Vun trồng". Lan tỏa các giá trị. Chia sẻ trách nhiệm. Và cộng hưởng cảm xúc. Đó là khẩu hiệu, là mục tiêu đồng thời cũng là 3 yêu tố tạo động lực và cảm hứng để chúng ta làm tròn sứ mệnh văn hóa của mình.

      Hãy cùng nhau cùng nhau chăm sóc ngôi nhà văn hóa của mình!

     Các tiết mục Ban Tổ chức Liên hoan cấp Giấy chứng nhận công nhận giải; các tập thể được Ban Tổ chức Liên hoan tặng cờ và cấp Giấy chứng nhận công nhận giải và các tập thể, cá nhân được Ban Tổ chức đề nghị Giám đốc Sở tặng Giấy khen

1. Các tiết mục Ban Tổ chức Liên hoan cấp Giấy chứng nhận công nhận giải

1.1. Thể loại Hát

1.2. Thể loại Múa

1.3. Thể loại Tiểu phẩm truyền thông

TT

Tên đơn vị

Tên tiết mục

Điểm

Giải

1

Phòng GD&ĐT Vĩnh Linh

Trở về

9.40

A

2

Phòng GD&ĐT Hải Lăng

Chia sẻ để yêu thương

8.98

B

3

Phòng GD&ĐT Cam Lộ

Tiền mất, tật mang

8.96

B

4

Phòng GD&ĐT TP Đông Hà

Tổ quốc trong trái tim em

8.90

B

5

Trường THPT TX Quảng Trị

Cần lắm sự yêu thương

8.78

C

6

Phòng GD&ĐT Hướng Hóa

Tình thương yêu

8.76

C

7

Trường TH, THCS&THPT Trưng Vương

Việt Nam quyết thắng đại dịch Covid – 19

8.60

C

8

Trường THPT Chuyên Lê Qúy Đôn

Đưa con chữ đến miền xa

8.54

C

9

Phòng GD&ĐT TX Quảng Trị

Những trái tim hồng

8.54

C

10

Phòng GD&ĐT Triệu Phong

Lời cảnh tỉnh

8.48

D

11

Trường THPT Bùi Dục Tài

Ký ức Hiền Lương

8.46

D

12

Trường THCS&THPT Cửa Việt

Một cuộc đua

8.42

D

13

Phòng GD&ĐT Cam Lộ

Sử thi người thầy vùng cao

8.26

D

14

Trường THCS&THPT Bến Quan

Ngày mới

8.06

D

15

Trường THPT Hải Lăng

Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt

8.06

D

16

Phòng GD&ĐT Gio Linh

Không để ai bị bỏ lại phía sau

7.98

D

17

Trường THPT Hướng Phùng

Lối rẽ ngang trái

7.92

D

1.4. Thể loại Trình tấu nhạc cụ

TT

Tên đơn vị

Tên tiết mục

Điểm

Giải

1

Trường Liên cấp HNQT iSchool

Star sky - Victory

8.94

D

2

Phòng GD&ĐT Gio Linh

Đi đâu để thấy hoa bay

8.72

D

3

Phòng GD&ĐT Triệu Phong

Hòa tấu kèn Harmonica, các nhạc cụ khác , song ca “Đi học”

8.64

D

1.5. Các đơn vị và cá nhân/tiết mục được BGK xét tặng giải Triển vọng và sáng tạo

- Đơn vị có Chương trình biểu diễn ấn tượng, xúc động: Trường Trẻ em khuyết tật tỉnh.

- Tiết mục có hình thức thể hiện độc đáo, sáng tạo:  Mặt đường khát vọng - Thơ múa, Trường THPT Hướng Hóa.

- Tác giả sáng tác ca khúc tuyên truyền về chủ đề “Văn hóa học đường”: Trần Minh Hải, GV Âm nhạc Trường THCS Thanh, Phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa.

2. Các tập thể được Ban Tổ chức Liên hoan tặng cờ và cấp Giấy chứng nhận công nhận giải

2.1. Khối Phòng GD&ĐT

TT

Tên đơn vị

Tổng điểm

Vị thứ

Giải

1

Phòng GD&ĐT Vĩnh Linh

19.00

1

Nhất

2

Phòng GD&ĐT TP Đông Hà

18.06

2

Nhì

3

Phòng GD&ĐT Hải Lăng

17.88

3

Nhì

4

Phòng GD&ĐT Triệu Phong

17.85

4

Ba

5

Phòng GD&ĐT Hướng Hóa

17.33

5

Ba

6

Phòng GD&ĐT Gio Linh

17.18

6

KK

7

Phòng GD&ĐT TX Quảng Trị

17.12

7

KK

8

Phòng GD&ĐT Cam Lộ

16.89

8

KK

9

Phòng GD&ĐT Đakrông

16.56

9

KK

2.2. Khối các đơn vị trực thuộc và cơ sở giáo dục tổng hợp (Gồm 31 trường THPT, THCS&THPT, Phổ thông Liên cấp CĐSP, Trẻ em khuyết tật tỉnh, Trường Trưng Vương, Trung tâm GDTX, NN-TH tỉnh)

3. Các tập thể và cá nhân được Ban Tổ chức đề nghị Giám đốc Sở tặng Giấy khen

3.1. Tập thể có thành tích xuất sắc trong Liên hoan

- Phòng GD&ĐT Vĩnh Linh (Giải Nhất Khối Phòng GD&ĐT);

- Trường THPT Đông Hà (Giải Nhất Khối THPT);

- Trường THPT Vĩnh Linh (Giải Nhất Khối THPT);

- Phòng GD&ĐT Cam Lộ (Có 01 tiết mục đạt Giải Nhất);

- Trường THPT Triệu Phong (Có 01 tiết mục đạt Giải Nhất).

3.2. Cá nhân có đóng góp tích cực trong quá trình chỉ đạo, triển khai tổ chức Liên hoan

- Ông Nguyễn Thảo Nguyên, Phó Trưởng phòng - Phòng TCCB-CTTT Sở GD&ĐT;

- Bà Lê Thị Tú Lệ, Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Đông Hà;

- Ông Lê Thanh Hải, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Linh;

- Bà Nguyễn Thanh Long, Hiệu trưởng trường Phổ thông Liên cấp CĐSP;

- Ông Nguyễn Sĩ Huấn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đakrông;

- Bà Nguyễn Thị Lam Giang, Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Quảng Trị.

    Một số hình ảnh trao giải trong buổi Tổng kết, trao giải Liên hoan "Văn hóa học đường" năm 2021


Tổng số điểm của bài viết là: 17 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết